Thu hút đầu tư vào lĩnh vực cà phê: Chưa xứng với tiềm năng
Cập nhật lúc: 17/05/2016 08:57:54 969
Cập nhật lúc: 17/05/2016 08:57:54 969
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk (huyện Cư M’gar).
Những năm qua, Đắk Lắk chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực cà phê theo hương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nâng cao năng lực sản xuất, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, địa phương đã đưa ra chính sách ưu tiên, hỗ trợ DN đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến cà phê. Theo đó, hỗ trợ nhà đầu tư về đào tạo lao động, được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh và hỗ trợ 50% chênh lệch lãi suất ngân hàng cho các DA đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, đồng thời, ưu tiên cho các nhà đầu tư chế biến cà phê được sử dụng phí hạ tầng và áp dụng khung giá thuê đất thấp. Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Đắk Lắk đã thu hút được 15 DA đầu tư vào ngành cà phê, với tổng số vốn gần 5.400 tỷ đồng, trong đó, 4 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng số vốn gần 1.300 tỷ đồng và 11 DA đầu tư trong nước, tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các DA FDI mang lại hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như DA liên doanh chế biến cà phê nhân xuất khẩu ĐăkMan – Buôn Ma Thuột tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc của Công ty TNHH ĐăkMan Việt Nam, tổng vốn đầu tư 117,4 tỷ đồng, công suất chế biến 50.000 tấn cà phê nhân/năm; nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty TNHH cà phê Ngon tại Cụm công nghiệp Cư Kuin, tổng vốn đầu tư 1.275 tỷ đồng, công suất 10.000 cà phê hòa tan/năm. Bên cạnh đó, một số DA đầu tư trong nước cũng sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, đáng chú ý là nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty cà phê An Thái tại Khu công nghiệp Hòa Phú, công suất 936 tấn/năm, vốn đầu tư 45 tỷ đồng hay nhà máy chế biến nông sản và cà phê bột của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Intimex tại Cụm công nghiệp Tân An, công suất 34.500 tấn/năm, vốn đầu tư 30,8 tỷ đồng…Việc xây dựng các nhà máy chế biến cà phê cũng đã hình thành nhiều điểm thu mua trực tiếp, hạn chế trung gian, góp phần hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nông dân.
Chế biến ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk.
Nhà máy chế biến của Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk (huyện Cư M’gar) có công suất chế biến 5.000 tấn quả tươi/năm theo công nghệ chế biến ướt, sản lượng xuất khẩu năm 2016 dự kiến khoảng 1.000 tấn cà phê nhân. Những năm qua, công ty đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến, hướng tới những thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Đức… Bên cạnh đó, đơn vị còn tiêu thụ hàng ngàn tấn cà phê tại địa bàn các xã Cư Suê, Quảng Tiến, Quảng Hiệp, Ea Tul…và tạo việc làm ổn định cho 568 lao động tại địa phương, trong đó, 67% là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực cà phê vẫn còn những hạn chế, số DA còn ít, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất sử dụng phương pháp chế biến khô nên chất lượng chưa cao, sản phẩm chủ yếu là cà phê nhân (sản lượng cà phê bột và cà phê hòa tan chỉ đạt 0,6%), không có nhiều DA có khả năng chế biết sâu đạt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, nên giá trị kinh tế chưa cao. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư cho biết, Đắk Lắk đã xây dựng những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào ngành cà phê trong thời gian tới. Theo đó, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình một cửa liên thông và hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Về chính sách ưu đãi đầu tư, sẽ áp dụng ở mức tốt nhất cho các nhà đầu tư trong việc thuê đất, cấp đất và tính thuế thu nhập. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại trên bình diện quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các DA sử dụng công nghệ tiên tiến hiệu quả kinh tế - xã hội cao…
MINH THÔNG
nguồn daklak24h.com.vn
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0