Bấp bênh… vùng nguyên liệu
Công ty Cổ phần Mía đường (CPMĐ) Đắk Lắk, tiền thân là doanh nghiệp (DN) Nhà nước được thành lập vào tháng 6-1995, đến tháng 12-1998 đi vào hoạt động. Từ khi bắt đầu thành lập tỉnh Đắk Nông, tháng 1-2004, Công ty được bàn giao về cho tỉnh này quản lý, cho đến tháng 11-2006, từ một DN Nhà nước được chuyển đổi thành Công ty CPMĐ Đắk Nông, Nhà nước chỉ còn giữ lại 30% vốn điều lệ; tháng 11-2011, Nhà nước thoái hết phần vốn của mình về cho người lao động công ty; đến tháng 9-2015, được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty đã sáp nhập với Công ty CPMĐ Đắk Lắk thành Công ty CPMĐ Đắk Lắk ngày nay.
Mía nguyên liệu ở các vùng gần nhà máy được vận chuyển bằng xe công nông.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trải qua 18 vụ sản xuất Công ty vẫn chưa thoát hết khó khăn, nhất là vùng nguyên liệu mía gần nhà máy ngày càng bị thu hẹp, thậm chí trong 3 vụ mía gần đây có vùng đã bị… xóa trắng; còn các vùng mía ở xa như Ea Súp, Ea Kar, M’Đrắk thì cước vận chuyển đội cao (niên vụ 2015-2016 tăng 25%) do lái xe phải chấp hành đúng quy định của cơ quan chức năng về tải trọng trên đường. Chưa kể ở một số ruộng mía tại địa bàn huyện Ea Kar, M’Đrắk (được nhiều đơn vị tổ chức đầu tư, thu mua chồng lấn, trong đó có đơn vị từ tỉnh khác đến) cũng đã từng xảy ra việc tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu giữa các đơn vị bạn với Công ty.
Điều dễ nhận thấy là qua quá trình sản xuất, các vùng nguyên liệu mía truyền thống của Công ty đều giảm sút mạnh (trừ vùng mía huyện Ea Súp). Cụ thể: diện tích trồng mía từ niên vụ 2010-2011: vùng Cư Jút, Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) lần lượt là 418 ha, 20 ha; Hòa Phú, Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) 884 ha; Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) lần lượt là 402 ha, 245 ha. Đến niên vụ 2012-2013 (không tính niên vụ 2011-2012 liền kề trước đó), diện tích mía ở Cư Jút đã lên đến đỉnh điểm 577 ha; Krông Nô giảm còn 7 ha. Sang niên vụ 2015-2016 vừa qua, Cư Jút giảm còn 113 ha; Hòa Khánh, Hòa Phú còn 237 ha; Ea Súp tăng bật lên 1.950 ha (trong đó có sự đầu tư, chăm chút của Công ty); vùng Buôn Đôn thì tăng giảm thất thường: niên vụ 2012 - 2013 lên 674 ha, 2013 - 2014 giảm còn 558 ha, 2014 - 2015 lên 615 ha, 2015 - 2016 lại giảm còn 509 ha; riêng Krông Nô, từ niên vụ 2013 - 2014 đến nay cây mía đã bị xóa sổ.
Theo số liệu của Công ty CPMĐ Đắk Lắk, kết thúc niên vụ sản xuất 2015 - 2016, vùng nguyên liệu mía của đơn vị từ 5.000 ha giảm còn 3.700 ha, tương đương với giảm 30% so với niên vụ trước đó, nguyên nhân là do ở một số địa phương người dân cảm thấy trồng mía không hiệu quả nên đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Cùng với đó, do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài cũng làm cho chất lượng cây mía giảm sút nhiều, dẫn đến tỷ lệ thu hồi trong sản xuất 1 kg đường/10 kg mía (so với niên vụ trước, tỷ lệ thu hồi tương ứng 1 kg đường/9kg mía). Từ những khó khăn trên đã đưa đến kết quả sản xuất mà Công ty đạt được trong niên vụ vừa qua chỉ bằng khoảng 80% so với kế hoạch đề ra, cụ thể: thu mua 227.000 tấn mía nguyên liệu (kế hoạch từ 250.000 - 270.000 tấn), sản xuất được 22.700 tấn đường thành phẩm (kế hoạch 30.000 tấn).
Trước… “giờ G”
Dự kiến thời gian tháo dỡ, vận chuyển và lắp đặt hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị nhà máy từ địa điểm cũ đến địa điểm mới phải mất khoảng 6 tháng, chưa tính công tác chuẩn bị và các hoạt động thi công xây dựng khác tại địa điểm mới trước đó. Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty, một nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là từ cây mía muốn tồn tại và phát triển, suy cho cùng là phải làm sao chuẩn bị cho được vùng nguyên liệu ổn định, trong đó cần tính toán đến các yếu tố quan trọng kèm theo song song như xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liền vùng, liền thửa; giao thông nội đồng, cự ly vận chuyển gần, thuận lợi, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thật hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời mở thêm một số ngành nghề sản xuất mới sau đường như bánh kẹo, cồn, năng lượng điện… Nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay của đơn vị là sau khi thi công lắp đặt xong nhà máy tại địa điểm mới (dự kiến vào khoảng cuối năm 2017) là phải có sẵn vùng nguyên liệu bên cạnh để bắt tay vào sản xuất niên vụ 2017 - 2018 được ngay.
Một thuận lợi cơ bản nhất của đơn vị hiện nay là đã hoàn tất thủ tục thuê đất trên diện tích hơn 24,5 ha tại tiểu khu rừng 206 thuộc xã Ia Tmốt - nơi nhà máy đứng chân, cùng với những ưu đãi là được miễn tiền thuê đất 50 năm - bắt đầu từ 4-12-2015 đến 3-12-2065- gần 1,7 tỷ đồng (Quyết định 280/QĐCT ngày 16-3-2016 của Cục Thuế Đắk Lắk). Công ty đang ráo riết triển khai các bước giải phóng, san lấp mặt bằng; đào móng xây dựng tường rào, khu nhà ở công nhân, chuẩn bị thi công nền, móng trụ các điểm nhà máy, xưởng sản xuất… để sẵn sàng đón nhận và lắp đặt hoàn tất khi hệ thống dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất mía đường nhà máy được vận chuyển đến nơi.
Đến thời điểm này có thể nói, mặt bằng, địa điểm di dời nhà máy về đã tạm ổn. Riêng vùng nguyên liệu mía, Công ty cũng đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo, sau các đợt khảo nghiệm về điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn đối với cây mía từ những năm 2008 đến nay cho thấy, phần lớn diện tích đất nông nghiệp ở Ea Súp (trừ những vùng chuyên canh lúa nước nổi tiếng) đều phù hợp với cây mía. Cũng theo ông Sơn, hiện diện tích mía tại các xã: Ea Bung, Ya Tờ Mốt, Cư M’lan và Ia R’vê đã xấp xỉ 2.000 ha, trước đây trên các diện tích này người dân chỉ biết trồng mì, điều, cao su, keo lá tràm… không hiệu quả. “Kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu của nhà máy sau năm 2020 khoảng 10.000 ha mía, trong khi quỹ đất nông nghiệp của Ea Súp hiện có khoảng 70.000 ha. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất yên tâm”, ông Sơn khẳng định thêm.
Được biết, hiện tại công suất sản xuất của Công ty CPMĐ Đắk Lắk đạt 2.500 tấn mía cây/ngày, tương ứng với diện tích 5.000 ha mía; năm 2018 dự kiến sẽ nâng công suất lên 3.500 tấn mía cây/ngày, tương ứng 7.000 ha mía; sau năm 2020 sẽ nâng công suất lên 7.000 tấn mía cây/ngày, tương ứng 10.000 ha trở lên. Để chuẩn bị cho chiến lược phát triển này, ngoài những việc đã và đang làm nói trên, niên vụ mía 2015 - 2016, Công ty còn thuê 200 ha đất nông nghiệp tại xã Ya Tờ Mốt xây dựng trang trại sản xuất mía giống để cung cấp cho nông dân trong xã và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, Công ty cũng đề ra chính sách đầu tư cho nông dân trồng mía về giống, phân bón, làm đất, thuốc BVTV tương đương 30 triệu đồng/ha trồng mới, 15 triệu/ ha lưu gốc; hỗ trợ (không thu hồi) 1 triệu đồng - chuyển đổi cây trồng, 1 triệu- chống úng, 1 triệu - PCCC/ha mía và 10 triệu đồng cho mỗi giếng khoan tưới cho 5 ha mía…
Ai đã từng sống ở Ea Súp đều có thể nhận biết, lâu nay người nông dân ở đây luôn loay hoay với việc “thử nghiệm” các loại cây trồng, nhất là cây điều, tuy có vùng cây lá phát triển xanh tốt nhưng lại không cho quả, thế là đành phải phá bỏ. Trong khi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn cũng không phù hợp với các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su, vì vậy, nhiều hộ đã sớm chuyển sang trồng cây mía từ những năm 2009 - 2010 cho đến nay, nhưng chi phí vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy quá cao do cự ly khá xa nên lời lãi thu được chẳng đáng là bao. Theo tính toán của Công ty CPMĐ Đắk Lắk, khi đơn vị này đi vào sản xuất ổn định ở địa điểm mới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho những người trồng mía trong vùng, trong đó cước phí vận chuyển sẽ giảm đến 50%, cùng với những ưu đãi khác từ phía Công ty, hy vọng nông dân trồng mía ở Ea Súp không chỉ bớt đi sự vất vả mà còn có nguồn thu nhập khấm khá hơn trước.
Đình Kim