Sứ mệnh doanh nhân
Cập nhật lúc: 14/10/2024 14:50:36 35
Cập nhật lúc: 14/10/2024 14:50:36 35
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ doanh nhân đang mang trên mình trọng trách lớn cùng toàn dân tộc thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Có thể nói, chưa có giai đoạn nào, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Không chỉ có số lượng đông đảo, họ còn thể hiện tinh thần và ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc rất lớn. Dưới sự chèo lái của các doanh nhân tài năng, một số doanh nghiệp (DN) đã phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều DN Việt Nam đã ý thức rõ mục đích xây dựng, phát triển thương hiệu không chỉ để tối đa hóa lợi nhuận, mà còn là cách bảo vệ, giữ gìn thể diện quốc gia, văn hóa của dân tộc. Trong khó khăn, nhiều doanh nhân đã tìm ra được chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững, hướng đến lấy tri thức làm nền tảng để phát triển.
Điều này thể hiện rõ nét thời kỳ hậu COVID-19. Do hệ luỵ của đại dịch và biến cố chính trị liên tiếp của thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong vòng xoáy đó, DN Việt Nam cũng phải cùng một lúc đương đầu với hàng loạt khó khăn: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; chi phí sản xuất, kinh doanh tăng... Thế nhưng cộng đồng DN vẫn kiên cường vượt qua giông bão, góp phần quan trọng giúp kinh tế Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng ấn tượng.
Hoạt động may gia công hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông |
Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, vi phạm pháp luật, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Thực tế này cũng đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Vì lợi nhuận, một số nhà kinh doanh đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc… Do đó, một lần nữa Đảng ta nhấn mạnh vai trò của doanh nhân khi khẳng định, để thực hiện mục tiêu phát triển DN, không thể thiếu vai trò đội ngũ doanh nhân. Trong phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước. Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi... Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mới đây tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các DN tư nhân lớn của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico bày tỏ mong muốn rằng: "Lãnh đạo Chính phủ hãy tin tưởng ở những DN tư nhân, đồng thời tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế cho các DN dân tộc". Thiết nghĩ, không chỉ lãnh đạo Chính phủ tin mà đất nước đặt trọn niềm tin vào đội ngũ doanh nhân với sứ mệnh là lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả này, bên cạnh phải trau dồi để có trí tuệ, bản lĩnh, tư duy khác biệt, tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên, đội ngũ doanh nhân cũng cần lắm xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức kinh doanh…
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0