Nở rộ điện mặt trời mái nhà: Phát sinh nhiều bất cập
Cập nhật lúc: 19/07/2021 16:29:43 1802
Cập nhật lúc: 19/07/2021 16:29:43 1802
Thời gian qua, việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những vấn đề đáng lo ngại trong quá trình triển khai xây dựng của các chủ công trình và khó khăn, bất cập trong công tác quản lý.
Theo số liệu của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đấu nối cho 5.357 công trình ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt hơn 648,6 MWp. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện của các công trình này phát lên lưới (sau khi chủ công trình đã sử dụng) đạt hơn 199 triệu kWh, chiếm khoảng 41,4% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh.
Việc lắp đặt ĐMTMN đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, huy động được hơn 9.729 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Các công trình sau khi vận hành đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách cho địa phương. Bên cạnh đó, ĐMTMN cũng làm giảm tổn thất điện năng trên đường dây trung, hạ áp, tăng độ tin cậy cho hệ thống điện, hạn chế quá tải trong giờ cao điểm và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Một trang trại có đầu tư điện mặt trời mái nhà tại huyện Buôn Đôn lắp pin trước khi trồng cây. Ảnh: Tài Đại |
Bên cạnh hiệu quả kinh tế và xã hội của ĐMTMN, việc phát triển loại hình năng lượng này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các trang trại nông nghiệp được xây dựng và hình thành song song với việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN nên việc quản lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký trang trại, đánh giá loại hình trang trại còn gặp nhiều khó khăn. Đa phần các công trình này có quy mô nhỏ, số lượng nhiều, phân bố rải rác, triển khai trong thời gian ngắn, việc thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư với ngành điện khi thực hiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên và địa phương nên việc theo dõi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa nắm rõ quy trình, quy định thực hiện đầu tư trang trại, thi công gấp rút để hoàn thành công trình đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31-12-2020 nên nhiều trường hợp chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, nghiệm thu và đưa vào vận hành của các chủ đầu tư ĐMTMN và các đơn vị liên quan cũng có nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về sử dụng đất, một số trang trại xây dựng trên đất trồng cây lâu năm chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác, chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng đã làm trang trại để có mái lắp đặt hệ thống điện. Có những địa phương đồng ý cho cá nhân, tổ chức chủ trương xây dựng trang trại, cấp phép xây dựng trang trại trên đất trồng cây lâu năm, chưa đúng mục đích sử dụng đất. Về xây dựng công trình, các hạng mục công trình điện năng lượng lắp đặt trên mái nhà kho, nhà xưởng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư chưa làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng bổ sung; các trang trại trước khi khởi công không thông báo và gửi hồ sơ thiết kế công trình cho chính quyền địa phương theo dõi và quản lý. Nhiều công trình trang trại không xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp mà chỉ chủ yếu lắp đặt pin năng lượng để sản xuất và bán điện. Trong quá trình thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện giữa ngành điện và chủ đầu tư, một số hồ sơ thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện chưa chặt chẽ; một số tuyến đường dây trung áp 22 kV và trạm biến áp chưa được thỏa thuận hướng tuyến, vị trí của cấp thẩm quyền.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ĐMTMN, mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, địa phương đề xuất với Bộ Công thương xem xét, cho phép chủ trang trại, chủ đầu tư ĐMTMN đã hoàn thành, bán điện trước ngày 31-12-2020 nhưng chưa bảo đảm các tiêu chí trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT thì được khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm quy hoạch điện lực, cải tạo lưới điện 110kV khu vực tỉnh Đắk Lắk để giải tỏa công suất điện mặt trời nhằm tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các công trình ĐMTMN, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án điện mặt trời nối lưới đã hoàn thành và phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt 768 MW/960 MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 20.288 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3 dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 480 MWp đang triển khai các thủ tục đầu tư.
|
Nguồn: http://baodaklak.vn/
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0