Đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị cà phê
Cập nhật lúc: 30/10/2020 15:47:12 3230
Cập nhật lúc: 30/10/2020 15:47:12 3230
Trước những thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành cà phê nói riêng đang phải đối mặt thì đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu để phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta, lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với vị thế và tiềm năng của nó như Brazil đã làm với cà phê Arabica. Điều này làm ảnh hưởng đến giá cả của mặt hàng này, cũng như khó cải thiện đời sống của nông dân trồng cà phê vốn còn nhiều khó khăn.
Xu hướng tất yếu
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án đổi mới sáng tạo ngành cà phê do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa tổ chức vào ngày 27-10 vừa qua, ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) chia sẻ, việc đổi mới sáng tạo cà phê được người trồng cà phê hiện nay rất quan tâm, đặc biệt là người trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị này. Hiện nay, ngành cà phê đang nỗ lực để đổi mới cả về nhận thức của người tiêu dùng cũng như sáng tạo cả trong phương thức sản xuất để tạo ra cà phê chất lượng cao. Hợp tác xã Sáu Nhung đang canh tác 300 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ với hệ thống công nghệ tưới nước phun mưa, nhà kính phơi sấy bằng năng lượng mặt trời. Để sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, ngoài việc làm thật, mang đến những giá trị thật cho người tiêu dùng thì yếu tố truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó giúp người tiêu dùng hiểu rõ cách làm cũng như chất lượng và giá trị sản phẩm trong thời kỳ đổi mới sáng tạo của ngành cà phê hiện nay.
Vườn cà phê canh tác theo hướng bền vững của nông dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar). |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Lê Đức Huy cho rằng: Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới, tuy nhiên chất lượng lại chưa được thế giới biết đến. Cho nên luôn luôn vận động, đổi mới sáng tạo để gia tăng giá trị là xu hướng nhưng cũng là yêu cầu mang tính sống còn của ngành cà phê Việt Nam. Trong hành trình gia tăng giá trị cà phê, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức nhiều hoạt động để gia tăng chất lượng. Trong đó, một trong những việc làm được Hiệp hội chú trọng tập trung hiện nay là nâng cao năng lực của nông dân trồng cà phê. Ngoài biện pháp, kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, chế biến cần nâng cao năng lực cảm nhận giúp nông dân thấy được trên thế giới có những loại cà phê ngon và phải biết đánh giá cà phê đó như thế nào là ngon. Đương nhiên đó không phải chuyện một sớm một chiều, việc làm này phải có lộ trình, có sự đồng hành. Không phải một doanh nghiệp xuất khẩu nào có thể đỡ đầu được mà đó là cả một chuỗi liên kết với nhau, tức là chúng ta cùng nhau hiệp lực làm vì một hướng đi lâu dài, bền vững chứ không đơn thuần là lợi ích kinh tế được cộng trừ nhân chia trước mắt.
Chiến lược dài hơi
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cà phê khi được phỏng vấn đều cho rằng, để cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm lãng phí, gia tăng năng suất, chất lượng, cần thiết phải áp dụng các quy trình và công cụ quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm cà phê chế biến để cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như tạo thêm giá trị gia tăng.
Mỗi doanh nghiệp lại có chiến lược riêng để nâng cấp sản phẩm. Nestlé Việt Nam đang tập trung vào phát triển các sản phẩm cà phê Decaffeinated, Capsule, Nespresso, cà phê hữu cơ (Nestlé đã mua lại Starbuck vốn đang sở hữu trang trại cà phê hữu cơ ở Cầu Đất, Lâm Đồng). Simexco tuy vẫn tập trung vào làm cà phê nhân chất lượng cao, nhưng cũng đang triển khai các hoạt động nâng cấp chức năng để tiến tới những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn đó là sản xuất, chế biến cà phê rang xay. Doanh nghiệp G20 cho rằng, chế biến chiết xuất tinh cà phê sẽ nhận được nhiều vốn đầu tư vì có biên lợi nhuận cao hơn (cà phê hòa tan sử dụng tinh cà phê phối trộn với các thành phần khác). Và G20 cũng đã thâm nhập vào công đoạn sản xuất, chế biến cà phê, cả hòa tan và rang xay.
HTX Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cà phê bột tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án đổi mới sáng tạo ngành cà phê. |
Còn đối với người trồng cà phê, các định hướng nâng cấp quy trình tập trung vào đẩy mạnh thực hành sản xuất cà phê bền vững, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất bao gồm: quản lý vật tư nông nghiệp đầu vào, tái canh cà phê sử dụng giống mới, nông lâm kết hợp, tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, quản lý dịch hại tổng hợp/phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, thực hành thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê nhân tốt.
Có nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê, như: Mô hình kỹ thuật tưới nhỏ giọt sử dụng công nghệ của MimosaTEK. GREENcoffee cung cấp dịch vụ thông tin cho 100.000 nông dân trồng cà phê để cải thiện năng suất, thu nhập và an ninh lương thực. UTZ, một đối tác của dự án GREENcoffee, đang tích hợp Hệ thống Quản lý nội bộ (IMS) cho chuỗi cung ứng cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ trên ứng dụng của GREENcoffee. WeGap là một ứng dụng trên điện thoại di động, áp dụng bởi Nestlé Việt Nam để cung cấp thông tin thời tiết và sổ tay kỹ thuật canh tác cà phê cho nông dân của mình.
Ông Nguyễn Thế Long, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam cho rằng: Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị, ngành cà phê cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và nông dân, tổ chức hội nông dân (tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã) trong chuỗi giá trị. Muốn làm được điều này cần chiến lược dài hơi để đổi mới sáng tạo trong các hệ thống liên quan. Nếu hệ thống khoa học công nghệ là nguồn gốc của tri thức mới đưa đến các sản phẩm, dịch vụ, thực hành kỹ thuật, quản lý mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thì hệ thống khuyến nông là một phần không thể thiếu để không chỉ chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp mà còn phải làm tốt vai trò môi giới đổi mới sáng tạo và dịch vụ phát triển kinh doanh nông nghiệp ở địa phương. Hệ thống giáo dục và đào tạo nông nghiệp có vai trò chính trong xây dựng và nâng cao năng lực cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống đổi mới sáng tạo ngành cà phê bao gồm việc trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cùng các kỹ năng mềm cho đổi mới sáng tạo. Hệ thống sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân) cần cơ chế khuyến khích và nguồn lực để tham gia. Riêng đối với nông dân, cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho tổ chức hội nông dân và tăng cường sự tham gia của nông dân sản xuất nhỏ vào chuỗi giá trị hiện đại của doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo chính là để vượt qua những khó khăn, thách thức từ vấn đề duy trì tăng trưởng; nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đến cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế; đáp ứng nhu cầu, thị hiếu cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà ngành cà phê đang đối mặt hiện nay.
Tại Việt Nam, Dự án đổi mới sáng tạo ngành cà phê hỗ trợ thực hiện 5 sáng kiến, gồm: Cải thiện hương vị cho cà phê chè Catimor; Tiếp cận thị trường tốt hơn đối với cà phê đặc sản Tây Nguyên; Nhà sấy năng lượng mặt trời để nâng cao chất lượng và lợi nhuận; Xét nghiệm đất di động để tối ưu hóa sử dụng phân bón; Mô hình kinh doanh sản xuất cà phê vi sinh. Nguồn: http://baodaklak.vn/ |
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0