Trồng cây siêu thực phẩm, 8x Đà Lạt thu 1 tỷ đồng
Cập nhật lúc: 23/01/2018 00:37:24 1573
Cập nhật lúc: 23/01/2018 00:37:24 1573
Học điện nhưng làm nông
Tốt nghiệp ngành điện tại Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh năm 2011, anh Lưỡng có công việc khá ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng vì gia đình có phần khó khăn, mẹ lại 1 mình chăm 1.000m2 cây phúc bồn tử. Thương mẹ nên chàng trai 8X Nguyễn Văn Lưỡng đã về Lâm Đồng tiếp quản vườn phúc bồn tử.
“Năm 2003 gần nhà tôi có công ty đến thuê đất trồng cây phúc bồn tử, sau đó họ thanh lý công ty và chuyển đi chỗ khác. Nhận thấy cây này có giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi mua giống về trồng thử nghiệm 1.000m2. Phần tôi là con của gia đình có truyền thống làm nông, nhà lại neo người, bố mẹ đã già nên năm 2011 tôi quyết định bỏ làm điện ở TP. Hồ Chí Minh để về cao nguyên Lâm Đồng phụ mẹ trồng cây phúc bồn tử”, anh Lưỡng cho biết.
Cử nhân ngành điện công nghiệp, anh Nguyễn Văn Lưỡng đang chăm sóc những cây phúc bồn tử của mình.
Gia đình của anh Lưỡng đã trồng 1 sào phúc bồn tử từ năm 2004, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc, trồng ngoài trời nên sản lượng và chất lượng thấp, khiến đầu ra của sản phẩm khó khăn, thường xuyên bị ép giá. Đến nay anh Lưỡng đã nắm trong tay kinh nghiệm, kỹ thuật nên trên 1ha phúc bồn tử có đầu ra ổn định, chất lượng sản phẩm cao, vươn lên thành gia đình khá giả trong vùng.
Anh Lưỡng tiết lộ, phúc bồn tử được ví là "siêu thực phẩm" thời hiện đại. Tại sao gọi quả phúc bồn tử là "siêu thực phẩm"? Là vì trong trái cây phúc bồn tử có nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng làm đẹp da, ngừa ung thư, tăng trí nhớ, sáng mắt và chống lão hóa rất tốt.
Những quả phúc bồn tử chín mọng đỏ, anh Nguyễn Văn Lưỡng cho biết, các nhà dinh dưỡng cho
quả phúc bồn tử loại "siêu thực phẩm" thời hiện đại.
Mỗi ngày thu trên 10 triệu
Việc mở rộng vườn phúc bồn tử của mình lên 1,2ha đã khiến anh Lưỡng gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng mang lại cho anh nguồn thu đáng kể. Mỗi ngày đều hái 2 lần, nếu vào mùa rộ có thể hái 3 lần. Trung bình 1 ngày anh cùng công nhân của mình hái khoảng 50kg quả, với giá từ 220 – 280.000 đồng/kg thì mỗi ngày anh thu trên 10 triệu đồng từ quả phúc bồn tử.
Hàng ngày anh Lưỡng cùng 9 công nhân thu hoạch bình quân khoảng 50kg quả phúc bồn tử, mang về trên 10 triệu đồng
Anh Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ, ban đầu do mới về làm nông anh chưa nắm được kỹ thuật rồi cách chăm sóc nên sản lượng quả phúc bồn tử không cao, cây hay bị bệnh, quả khá xấu, ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Anh còn cho hay, cây phúc bồn tử là loại cây khá khó chăm sóc, cần có kinh nghiệm, kỹ thuật và sự tỉ mỉ khi làm. Vì là người có chí tiến thủ, anh Lưỡng đã lên mạng Internet đọc tài liệu, học hỏi cách chăm sóc của những người đi trước để biết được cách chăm sóc vườn phúc bồn tử của mình.
Một công nhân đang cắt bỏ những phần thân khô, già của cây phúc bồn tử trong vườn của anh Nguyễn Văn Lưỡng.
Hiện nay với 9.000m2 trồng cây "siêu thực phẩm" phúc bồn tử trong nhà kính, 3.000m2 trồng ngoài trời, anh Lưỡng chăm sóc khá nhàn nhã. Anh cho biết, vườn phúc bồn tử của anh trang bị hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt nên công nhân rất khỏe, chủ yếu là tỉa thân khô và hái quả hàng ngày. Hiện nay, do đã nắm rõ kỹ thuật trong tay, anh cùng 9 công nhân hoàn toàn tự tin chăm sóc vườn phúc bồn tử, hàng tháng cho thu nhập cao hơn hẳn những hộ trông các loại cây khác.
Theo anh Lưỡng, cây phúc bồn tử chủ yếu mắc bệnh từ bọ cánh trắng, loài này chích lá và cuống trái khiến trái khi thu hoạch sẽ bị đen. Những trái này phải loại bỏ hoàn toàn. Nếu phát hiện bị bệnh phải xử lý ngay. Mỗi tháng anh bón phân hữu cơ 1 lần, còn trong hệ thống tưới nhỏ giọt đã có pha thêm phân bón và chất dinh dưỡng khác cho cây phúc bồn tử.
Vì là loài cây thân leo và khá mềm nên anh Lưỡng phải lắp hệ thống dây thép làm thành các giàn treo để gữ cây thẳng hàng và không bị đổ. Anh cho biết, cây có tuổi thọ trên 10 năm nên cho thu hoạch quả khá lâu và có thể cải tạo thân mẹ. Nếu trong 3 năm nhận thấy cây có dấu hiệu suy yếu, chỉ cần cắt ngang gốc cách đất 10cm để cây mọc mầm. Sau khoảng 6 tháng cây đủ lớn có thể cho thu hoạch tiếp. Với 1.000m2 cây phúc bồn tử, anh Lưỡng ước tính chi phí đầu tư hết khoảng 250 – 280 triệu đồng tùy từng thời điểm, trong đó nhà kính chiếm khoảng 150 triệu, giống 80 triệu, hệ thống tưới tự động và làm giàn khoảng 15 triệu đồng.
Anh Lưỡng phải làm giàn treo bằng thép để đỡ những cây phúc bồn tử, bởi đây là loại cây thân leo rất mềm.
Hiện nay, anh Nguyễn Văn Lưỡng còn cung cấp giống phúc bồn tử cho một số hộ gia đình và bao tiêu sản phẩm cho họ. Với cách làm này, sản phẩm của anh đã có mặt tại các thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nôi, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Hồ Chí Minh…Bên cạnh đó anh còn làm một số sản phẩm như rượu phúc bồn tử với giá bán khá cao, thử nghiệm làm mứt từ phúc bồn tử...Anh Lưỡng tiết lộ, mỗi năm sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 900 triệu đồng từ các sản phẩm phúc bồn tử.
(Theo danviet.vn)
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0